THÁNG 1: GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH
“ NHẬT KÍ ĐẶNG THÙY TRÂM” DO VƯƠNG TRÍ NHÀN BIÊN TẬP”
Kính thưa quý thầy cô và các em học sinh thân mến!
Đất nước Việt Nam ta đang trong thế chuyển mình bước lên ngang tầm với các nước trên thế giới.Một đất nước đã phải nếm trải nhiều hi sinh mất mát qua hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc đã tô đậm thêm trang truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của cha ông. Ở đó có biết bao tấm gương chiến đấu anh dũng của nhân dân đất Việt đã đổ máu xương để giành lại cuộc sống thanh bình cho chúng ta hôm nay. Họ là những người cha, người mẹ, người anh, người chị đã bỏ lại sau lưng mình quê hương, gia đình, người thân để lên đường vào nam chiến đấu và đã làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân năm 1975 .
Đất nước được độc lập thống nhất, giang sơn được thu về một mối nhưng chúng ta phải mất đi biết bao người con ưu tú của quê hương. Họ đã để lại xương máu của mình trong mỗi tấc đất thiêng liêng của dân tộc .
Bác sĩ- Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm là một trong những con người như thế. Chúng ta hãy đến với những trang nhật kí của Chị để hiểu hơn về số phận của người con gái ấy. Cuốn nhật ký của người con gái cương nghị, thủy chung, trong sáng đến thánh thiện đã viết với bao buồn vui, cay đắng, đớn đau và nước mắt.
Đến với buổi giới thiệu sách hôm nay thư viện trường xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng tất cả các em cuốn sách ảnh khá ấn tượng mang tên "Nhật Ký Đặng Thùy Trâm" Cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập dựa trên nguyên bản của cuốn nhật kí này. Cuốn sách được in trên khổ giấy 14x20cm và dày 290 trang. Sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành.
Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năm 1996, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường Quảng Ngãi.Ở đó chị được phân công phụ trách một bệnh viện Huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.Trong vai trò là một nữ bác sĩ chị luôn yêu thương mọi người, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, chăm sóc thương binh hết lòng.Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi.
Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải nói: “ Thời chiến tranh, Thùy Trâm và Thạc là hai tấm gương trong muôn triệu tấm gương của thế hệ trẻ và dân tộc Việt Nam ta đặc biệt trong lớp trẻ yêu mến và kính phục vì sự gặp nhau về hoài bão sự gần nhau về tấm lòng, có cùng một ngọn lửa đang sáng cháy hoặc ít nhất thì cũng đang âm ỉ trong mỗi con người Việt Nam ta”
Thật vậy chiến tranh đã đi qua nhưng tàn dư thì vẫn còn đọng mãi trong lòng người dân Việt Nam, nó khắc sâu vào tim, vào xương máu của 54 dân tộc anh em trên đất nước này
Trong chiến tranh ác liệt ấy những người luôn sống và hành động theo những lý tưởng đẹp, rất chân lý, họ sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì mục tiêu phục vụ cho nước nhà. Đặng Thùy Trâm người con gái trẻ tuổi gan dạ, kiên cường đã làm được điều đó. Đặng Thùy Trâm đã viết:
“ Đường đi bao nổi gian nan
Bàn chân lội suối băng ngàn ta đi
Chông gai nào có xá gì
Mắt nhìn vẫn một hướng về ngày mai
Và có ai biết chăng ai
Tình thương đã chắp cánh dài cho ta”
Chỉ là một đoạn thơ ngắn mà chứa đựng biết bao tình yêu thương, lòng can đảm, sự quyết tâm, dũng cảm hy sinh vì tổ quốc dù chông gai, trắc trở nhưng lòng chị vẫn vững chắc với những khát khao cháy bỏng, tấm lòng đầy nhiệt huyết căng phồng của tuổi trẻ.
Cuốn nhật ký là nơi để bị bộc bạch những suy nghĩ, tình cảm của mình, những lời kể chân thực, đầy xúc động của người lính trẻ đương đầu với bom đạn chiến tranh. Một tâm hồn nhạy cảm sống giữa cuộc sống phức tạp, những nỗi buồn, nỗi nhớ nhung, sự cô đơn bủa vây người con gái đã làm cho người đọc thấu rõ được ý chí mạnh mẽ, kiên cường, một lòng can đảm phi thường bên trong chị.
Đặng Thùy Trâm nói: ''Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố''. Chắc có lẽ bởi sự kiên cường, ý chí bất khuất của người con gái được ghi lại cẩn thận trong cuốn nhật ký mà chúng trở thành cuốn sách tiếp lửa cho biết bao thế hệ sau này.Những trang nhật ký tình cảm, đượm buồn khi chị không được gặp lại người thương, người bạn bởi sự tàn khốc của chiến tranh. Thế mà, vẫn có người con gái mạnh mẽ, sẵn sàng hy sinh, phục vụ kháng chiến hết mình.
“... Ai viết tên em thành liệt sĩ
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi: Em, đồng chí
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng ...”
Thưa quý thầy cô và các e học sinh thân mến!
Có những mất mát, đau thương không bao giờ vơi được, cũng như có những điều sẽ sống mãi cùng nhân loại sẽ ẩn hiện trong tận đáy sâu tâm hồn của chúng ta.“Nhật kí Đặng Thùy Trâm” đã rực cháy, đang rực cháy và mãi mãi sẽ rực cháy đến sau này.Và giờ đây hãy để cho ngọn lửa ấy cháy mãi và chị sẽ hóa thành bất tử từ trong cái chết.Lồng ngực thanh xuân của chị đầy ắp hoài bão, ước mơ về hạnh phúc, không loại trừ cả ẩn khúc và nỗi đau. Chị đã trở thành “bông hoa bất tử” mà hương sắc đã tan vào lòng đất mẹ để đem lại ngày mai tươi đẹp cho tổ quốc.
Hãy tìm ngay cho mình cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm’’. Hãy đắm mình trong từng dòng tâm trạng của Đặng Thùy Trâm, ta sẽ hiểu đất nước lớn lên từ những con người như thế. Để rồi chúng ta trân trọng, biết ơn và sống có ước mơ, hoài bão.
Nhật ký "Đặng Thùy Trâm" của liệt sỹ Đặng Thùy Trâm sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện trường giới thiệu đến quý thầy cô giáo và các em học sinh, kính mời quý thầy cô giáo và các em học sinh đón đọc cuốn sách tại thư viện nhà trường.
Chuyên mục giới thiệu sách tháng 12 đến đây xin được khép lại, hẹn gặp lại quý thầy cô và các em học sinh vào những chuyên mục giới thiệu sách lần sau.
Hồng Phong, ngày 5 tháng 1 năm 2024
NGƯỜI GIỚI THIỆU
Trịnh Thị Liên